Cách xác định thiệt hại khi bị tai nạn giao thông

Cách xác định thiệt hại khi bị tai nạn giao thông

Xin chào Luật sư. Cháu có trường hợp mong được luật sư tư vấn: Cháu đang đi trên phần đường của mình thì có một xe đi ngược chiều đã đâm làm cháu mất tay lái chạy qua phần đường bên kia và bị xe đi cùng chiều đâm phải, cháu bị gãy chân nhưng khi được mời lên công an giao thông làm việc thì công an lại nói là cháu đi giữa đường và bị người ta đâm (vì người ta có người nhà làm công an).

Vậy luật sư cho cháu hỏi giờ làm thế nào để xác định được sự việc và vấn đề bồi thường như thế nào?

Cháu xin chân thành cảm ơn.

Luật sư Thuận An tư vấn cho bạn như sau:

Thứ nhất, về vấn đề xác định lại vụ việc

Như thông tin bạn đã trình bày, khi được mời lên công an làm việc, bạn không được giải quyết một cách thỏa đáng trong việc xác minh lại vụ việc tai nạn. Do đó, bạn có thể làm đơn yêu cầu cơ quan công an phụ trách vấn đề này tiến hành xác minh lại sự việc trên. Nếu cơ quan đó vẫn không tiến hành điều tra, xác minh lại vụ việc bạn có thể tiến hành khiếu nại đối với kết luận trên của cơ quan công an theo thủ tục quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật khiếu nại năm 2011 như sau:

“Điều 7, Trình tự khiếu nại

1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

2. Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ trưởng) thì người khiếu nại khiếu nại đến Bộ trưởng hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính”

Thứ hai, đối với việc bồi thường thiệt hại cho bạn trong trường hợp này

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi thỏa mãn điều kiện quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 cụ thể là:

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”

Khoản 4 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi như sau:

“4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.”

Do bạn đi đúng phần đường, bị người đi ngược chiều đâm phải và bị mất lái lấn sang phần đường bên kia và bị người đi cùng chiều đâm gẫy chân. Theo đó, việc bạn bị mất lái nên cua gấp lấn sang phần đường bên kia khiến cho người đi cùng chiều với bạn bị bất ngờ không kịp điều chỉnh nên đã đâm vào bạn khiến bạn gẫy chân. Do đó, bạn cũng có một phần lỗi ở đây và lỗi này là lỗi vô ý còn người đâm vào bạn không có lỗi do đó người đó không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bạn.

Thùy Dung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *