Chủ hộ khẩu có những quyền gì?

Chủ hộ khẩu có những quyền gì?

Mỗi hộ gia đình cử một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú. Nhưng cụ thể hơn thì chủ hộ khẩu sẽ có những quyền gì? 

Căn cứ:

  • Luật cư trú 2006, sửa đổi 2013
  • Bộ luật dân sự 2015

Nội dung tư vấn:

1. Ai được quyền đứng tên chủ hộ khẩu?

Căn cứ Khoản 1 Điều 25 Luật cư trú 2006 sửa đổi năm 2013 hợp nhất Luật cư trú có quy định rằng:

Điều 25. Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình

1. Sổ hộ khẩu được cấp cho từng hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình cử một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú. Trường hợp không có người từ đủ mười tám tuổi trở lên hoặc có người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được cử một người trong hộ làm chủ hộ.

Như vậy, pháp luật chỉ quy định việc mội hộ gia đình thoả thuận và cử ra một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định nêu trên để làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú, điều này cũng đồng nghĩa với việc không làm phát sinh bất cứ quyền tài sản nào của người đó đối với các tài sản khác của hộ gia đình. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cũng không quy định bắt buộc chủ hộ phải là cha mẹ, hay người lớn tuổi trong gia đình.

2. Chủ hộ khẩu có những quyền gì?

Căn cứ theo tại Khoản 3 Điều 25 Luật cư trú 2006 sửa đổi năm 2013 Luật cư trú có quy định như sau:

Điều 25. Sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình

3. Người không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều này nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này và được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình thì được nhập chung vào sổ hộ khẩu đó.

Và Khoản 2 Điều 26 Luật cư trú 2006 sửa đổi năm 2013 cũng có quy định:

Điều 26. Sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân

2. Người không thuộc đối tượng quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 25 nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này và được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân thì được nhập chung vào sổ hộ khẩu đó

Theo đó, những người không có quan hệ là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột, nếu đủ điều kiện nêu trên, nếu có sự đồng ý của chủ hộ khẩu thì vẫn được nhập vào hộ khẩu của hộ gia đình.

Mặt khác, một thành viên đã được nhập hộ khẩu nhưng có nhu cầu muốn tách sổ hộ khẩu thì cũng cần phải có sự đồng ý của chủ hộ khẩu, cụ thể quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật cư trú 2006 sửa đổi năm 2013 như sau:

Điều 27. Tách sổ hộ khẩu

2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Như vậy, chủ hộ khẩu có quyền đồng ý hay không đồng ý cho bất kỳ những thành viên nào đủ điều kiện theo luật định để nhập sổ hộ khẩu, cũng như đồng ý hay không đồng ý cho các thành đó tách sổ hộ khẩu. Sự đồng ý của chủ hộ khẩu thể hiện thông qua văn bản đồng ý. Tờ văn bản đó được coi là một loại giấy tờ bắt buộc phải xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền khi làm các thủ tục nhập/tách hộ khẩu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *