Có bắt buộc phải hòa giải khi yêu cầu giải quyết ly hôn?
Căn cứ:
- Luật hôn nhân gia đình năm 2014;
- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Nội dung tư vấn:
1. Hòa giải là gì?
- Hòa giải là việc một bên thứ ba tiến hành thuyết phục, hỗ trợ các bên trong việc thỏa thuận, thương lượng để chấm dứt hoàn toàn hoặc một phần những xung đột, tranh chắp, bất đồng với nhau.
- Hòa giải là một chế định quan trọng trong tố tụng dân sự. Là hoạt động do Tòa án tiến hành nhằm giúp đỡ các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án dân sự. Việc hòa giải có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và công dân, giảm bớt giai đoạn tố tụng kéo dài, vừa giải quyết triệt để các mâu thuẩn giữa các đương sự.
Vì vậy, Hòa giải này đã được nâng lên thành một nguyên tắc trong tố tụng dân sự. Cụ thể được quy định tại Điều 10 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như sau:
Điều 10. Hòa giải trong tố tụng dân sự
Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.
2. Có bắt buộc phải hòa giải khi yêu cầu giải quyết ly hôn không?
Trong quá trình giải quyết yêu cầu ly hôn thì việc hòa giải được tiến hành ở nhiều nơi và tính chất bắt buộc cũng tùy thuộc vào nơi tiến hành hòa giải. Cụ thể:
- Tiến hành hòa giải ở cơ sở: Theo quy định của pháp luật hiện hành, hiện nay việc hòa giải ở cơ sở theo quy định tại điều 52 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 là không bắt buộc. Nhà nước khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở nhằm giúp các bên có thể tự thỏa thuận, xem xét lại để tự giải quyết những mâu thuẫn nhằm khuyết khích các bên tự giải quyết mâu thuẫn.
Điều 52. Khuyến khích hòa giải ở cơ sở
Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
- Tiến hành hòa giải ở Tòa án: Đối với thủ tục giải quyết ly hôn đơn phương và ly hôn thuận tình thì thủ tục hòa giải tại Tòa án là bắt buộc. Cụ thể:
Theo quy định tại Điều 54 Luật hôn nhân gia đình 2014 có quy định hòa giải tại Tòa án như sau:
Điều 54. Hòa giải tại Tòa Án
Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 397 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định về hòa giải trong thuận tình ly hôn như sau:
Điều 397. Hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn
1. Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, trước khi tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án.
2. Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Như vậy, việc bắt buộc hòa giải hay không sẽ tùy thuộc nơi tiến hành hòa giải.
3. Tại sao lại bắt buộc hòa giải khi yêu cầu giải quyết ly hôn?
Khi giải quyết yêu cầu ly hôn thì thủ tục hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc bởi vì:
- Quan hệ hôn nhân và gia đình nếu được xác lập dựa theo quy định của pháp luật thì được tôn trọng và bảo vệ.
- Quan hệ vợ chồng là điểm mấu chốt để duy trì một gia đình hạnh phúc, trọn vẹn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Do đó, khi đứng trước nguy cơ bị chấm dứt thì cần phải kịp thời hòa giải.