Có được xóa tên cha sau khi ly hôn trong giấy khai sinh của con ?
Nhiều bậc cha mẹ có nhu cầu xóa tên người kia trên giấy khai sinh của con sau khi ly hôn. Vậy, yêu cầu này có được pháp luật chấp thuận không? Pháp luật quy định về trường hợp này thế nào?
Một khách hàng nhờ tư vấn như sau: Em muốn hỏi sau khi ly hôn người cha và họ hàng không đoái hoài đến người con, em có thể xóa bỏ tên người cha ra khỏi giấy khai sinh để không liên quan đến bên chồng nữa có được không?
Căn cứ theo Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”
Vậy Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này. (Khoản 6 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014). Theo đó nội dung đăng ký khai sinh gồm:
+ Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;
+ Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;
+ Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.
Theo quy định trên, con trong thời kỳ hôn nhân được xác định là con chung của vợ chồng. Mặc dù, vợ chồng bạn đã được tòa án xử cho ly hôn nhưng pháp luật không tước quyền làm cha của chồng bạn và Pháp luật hôn nhân gia đình và hộ tịch hiện hành quy định quan hệ giữa cha và con có thể là quan hệ dựa trên yếu tố huyết thống (quan hệ giữa cha đẻ và con đẻ) hoặc dựa trên quan hệ nuôi dưỡng (quan hệ giữa cha nuôi và con nuôi). Vì vậy, nếu muốn xóa tên cha của cháu ra khỏi giấy khai sinh của đứa con thì bạn cần phải có sự đồng ý của bố cháu (người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình), và thẩm quyền giải quyết thuộc tòa án.
Hơn nữa, việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 , Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan (viện dẫn theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Do đó, trường hợp của bạn khi và chỉ khi chồng cũ của bạn và con bạn sinh ra không có dòng máu huyêt thống thì mới bỏ thông tin của người cha ra khỏi giấy khai sinh của con bạn được.
Trước tiên bạn phải làm thủ tục yêu cầu Tòa án không công nhận đứa bé là con của chồng bạn. Khi có phán quyết của tòa công nhận cháu bé không phải là con của chồng bạn thì lúc đó Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền sẽ làm thủ tục cần thiết để xóa tên chồng bạn trong giấy khai sinh của bé.
Theo đó, bạn sẽ nộp tờ khai cải chính thông tin trên giấy khai sinh và đồng thời cung cấp phán quyết của Tòa án về việc không công nhận quan hệ cha con để tiến hành cải chính thông tin trên giấy khai sinh của con mình.
Thùy Dung