Cổ tức là gì?

Cổ tức là gì?

Căn cứ:

  • Luật doanh nghiệp 2014

Nội dung tư vấn

1. Cổ tức là gì?

Khi nhắc đến các khái niệm như cổ tức, cổ phiếu, công ty cổ phần chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ liên tưởng tới những mối liên hệ của chúng với nhau. Quả đúng như vậy, căn cứ theo khoản 3 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về cổ tức như sau:

Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty cổ phần sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính.

Qua định nghĩa trên có thể thấy rằng, mục đích cơ bản, quan trọng nhất của cổ tức là đóng vai trò là công cụ để thực hiện chức năng phân phối những khoản lợi nhuận được tạo ra của công ty cổ phần. Tuy nhiên cần lưu ý không phải mọi trường hợp, tất cả khoản lợi nhuận có được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đều được đem đi chia cho các cổ đông. Hội đồng quản trị sẽ xem xét, đánh giá phân phối khoản lợi nhuận dùng để tái đầu tư, bổ sung quỹ dự phòng và chia cổ tức cho các cổ đông sao cho phù hợp và có lợi nhất cho công ty.

Sau khi góp vốn vào công ty cổ phần, các cổ đống sẽ gắn cho mình những trách nhiệm bằng số vốn góp mà họ góp vào công ty. Bên cạnh đó, họ cũng có những quyền lợi nhất định nếu công ty làm ăn thuận lợi, phát triển và sinh lời. Cụ thể tại điểm b khoản 1 Điều 114 Luật doanh nghiệp 2014 quy định một trong những quyền lợi của cổ đông đó là:

Điều 114. Quyền của cổ đông phổ thông

1. Cổ đông phổ thông có các quyền sau đây:

….

b) Nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;

 

2. Điều kiện công ty chia cổ tức

Quyết định về phương thức và mức chia cổ tức thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Do đó, hàng năm khi phiên họp Đại hội cổ đông diễn ra, các cổ đông sẽ biểu quyết và quyết định đối với vấn đề chia cổ tức theo phương án đề xuất của Hội đồng quản trị công ty. Vì lẽ đó, để được chia cổ tức, công ty phải đảm bảo những điều kiện quy định tại Điều 132 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:

Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

b) Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;

c) Ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

 

Trên đây là những điều kiện để công ty chia cổ tức đối với các cổ phần phổ thông. Còn đối với những trường hợp cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức, việc chia và nhận cổ thức sẽ được áp dụng những cơ chế riêng biệt.

 

3. Cổ phần ưu đãi cổ tức

Căn cứ theo khoản 1 Điều 117 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về cổ phần ưu đãi cổ tức như sau:

1. Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng. Cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức.

Như vậy, có thể thấy những cổ đông nắm giữ cổ phần ưu đãi cổ tức sẽ có những ưu đãi nhất định so với những cổ đông nắm giữ cổ phần phổ thông. Đầu tiên có thể kể tới đó là đối với các cổ phần ưu đãi cổ tức có thể được nhận mức cổ tức cao hơn so với các cổ phần phổ thông. Do các cổ đông có quyền quyết định về hình thức và mức trả cổ tức do đó, họ có thể quyết định mức cổ tức ưu đãi sao cho phù hợp và thu hút được nhà đầu tư góp vốn bằng hình thức mua cổ phần ưu đãi cổ tức. Ví dụ, để tăng sức hấp dẫn cho các cổ phần ưu đãi cổ tức được chào bán, công ty có thể quy định mức cổ tức ưu đãi là 3:1 (nhận được cổ tức gấp 3 lần giá trị cổ phần nắm giữ) so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông là 1:1.

 

Thứ hai, công ty có thể quy định mức cổ tức cố định hàng năm đối với các cổ đông nắm giữ cổ phần ưu đãi cổ tức. Khi đó, hàng năm các cổ đông này nghiễm nhiên được nhận một khoản cổ tức theo như ghi trên cổ phiếu và mức cổ tức này không phụ thuộc vào việc công ty làm ăn lỗ hay lãi, có lợi nhuận hay không có lợi nhuận. Điểm này khác so với các cổ phần phổ thông đó là các cổ đông phổ thông chỉ có thể được nhận cổ tức nếu trong năm tài chính đó công ty làm ăn có lãi và thỏa mãn các điều kiện được chia cổ tức.

4. Phương thức chia cổ tức

Căn cứ Khoản 3 Điều 132 Luật doanh nghiệp 2014, theo đó có 3 phương thức trả cổ tức, cụ thể đó là:

Trả cổ tức bằng tiền mặt:

Trả cổ tức bằng tiền sẽ làm giảm lượng tiền của doanh nghiệp trong việc kinh doanh, nhưng suy cho cùng đó mới là mục đích chính của đầu tư, kinh doanh. Việc trả cổ tức bằng tiền được pháp luật quy định bắt buộc phải bằng Việt Nam đồng mà không được sử dụng bất cứ loại ngoại tệ nào khác.

Trả cổ tức bằng cổ phiếu

Cổ tức bằng cổ phiếu, công ty sẽ phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ đông, thay vì tiền mặt nhằm giữ lại tiền cho hoạt động kinh doanh của mình. Hình thức này thường được các công ty mới thành lập và đang trong giai đoạn cần tối đa hóa các nguồn lực để mở rộng và phát triển.

Hình thức khác 

Công ty có thể đưa ra phương án trả cổ tức bằng các loại tài sản khác theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông với điều kiện phải phù hợp với quy định pháp luật. Ví dụ có thể trả cổ tức bằng các loại tài sản như bất động sản, xe hơi,… Tuy nhiên, việc này không được phổ biến mà thông thường, các công ty sẽ áp dụng 2 hình thức trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu là chủ yếu.

Sau khoảng thời gian dài nhất là 6 tháng kể từ thời điểm họp Đại hội cổ đông thường niên có quyết định việc chia cổ tức, thì công ty có nghĩa vụ phải trả cổ tức cho các cổ đông theo địa chỉ và thông tin của các cổ đông có trong danh sách cổ đông được nhận cổ tức

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *