Đi xe quá tốc độ làm chết người thì có bị ở tù không?

Đi xe quá tốc độ làm chết người thì có bị ở tù không?

Vượt quá tốc độ khi lái xe hoặc lái xe không an toàn dẫn đến tai nạn, thậm chí là hậu quả chết người,… trường hợp này hẳn không còn xa lạ đối với chúng ta. Vậy pháp luật quy định thế nào về tội này?

Một khách hàng gửi câu hỏi về cho Luật sư như sau: Tháng 2/2018 tôi có đi trên một tuyến đường, do đường lúc này khá vắng nên tôi đã đi với tốc độ khá lớn, có một người đang qua đường nên tôi không xử lý kịp khiến người đó tử vong tại chỗ. Công an vào cuộc điều tra và kết luận rằng là do tôi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (đi quá tốc độ cho phép).
Sau đó, tôi đã lo hết tất cả việc mai táng và bồi thường cho gia đình người đó là 300 triệu đồng. Gia đình bên đó cũng đồng ý là không kiện tôi. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau tôi lại nhận được quyết định khởi tố. Tôi có hỏi vì sao khi chúng tôi đã thỏa thuận với nhau về mức bồi thường và gia đình nhà đó cũng không làm đơn khởi kiện mà tôi vẫn nhận được quyết định này. Phía công an trả lời rằng kể cả gia đình nhà đó không làm đơn vẫn bị khởi tố theo khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự.
Vậy cho tôi hỏi công an trả lời như vậy là có căn cứ không ?
Luật sư Thuận An tư vấn cho bạn như sau:

Khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 thì:

“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”

Với trường hợp của bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 1 Điều này. Việc phía cơ quan công an trả lời rằng dù có thỏa thuận về mức bồi thường với gia đình nạn nhân thì bạn vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự là có căn cứ. Bởi lẽ, đây không phải là điều khoản khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Khi cơ quan có thẩm quyền xét thấy có dấu hiệu của tội phạm thì vẫn tiến hành khởi tố (kể cả khi các bên có thỏa thuận về mức bồi thường và phía người nhà nạn nhân không làm đơn yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự).

Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:

“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.”

Thùy Dung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *