Điều kiện cho người nước ngoài thuê nhà
Trên thực tế hiện nay, việc người nước ngoài đến Việt Nam và ở trong 1 thời gian dài (ví dụ như giáo viên tiếng anh, Hướng dẫn viên du lịch,…) đang ngày càng tăng cao, nhất là trong thời kỳ hội nhập này. Nhu cầu về thuê nhà ở cũng theo đó cũng dần nhiều hơn. Tuy nhiên, khác với cho thuê nhà ở thông thường, việc cho người nước ngoài thuê nhà có những cơ chế đặc biệt và buộc chủ nhà phải tuân thủ.
Căn cứ:
- Luật nhà ở 2014
Nội dung tư vấn
Nhu cầu thuê nhà của nước ngoài tăng cao, nhưng chủ nhà cũng không được cho thuê một cách tràn lan như cho sinh viên thuê được mà phải tuân thủ những nguyên tắc sau:
1. Điều kiện về chủ thể:
Thứ nhất, Bên cho thuê phải là chủ sở hữu căn nhà cho thuê. Nếu không phải chủ sở hữu, thì phải được ủy quyền thực hiện giao dịch cho thuê nhà từ chủ sở hữu. Trong trường hợp này, tất nhiên, chủ nhà và người thực hiện giao dịch phải có hợp đồng ủy quyền. Bên cạnh đó, chủ sở hữu hoặc người thực hiện giao dịch phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Nếu là tổ chức, thì phải có tư cách pháp nhân. Đây là một trong những điều kiện tất yếu khi thực hiện giao dịch dân sự về nhà ở. Quy định này được thể hiện rõ tại Khoản 1 Điều 119 Luật Nhà ở 2014:
Điều 119: Điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở:
1. Bên bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở phải có điều kiện sau đây:
a) Là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về dân sự; trường hợp chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải là người đã mua nhà ở của chủ đầu tư hoặc người đã nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;
b) Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự; nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân, trừ trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.
…
Thứ hai, đối với cá nhân nước ngoài thuê nhà.
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 119 Luật nhà ở 2014, quy định đối với người nước ngoài thuê nhà tại Việt Nam gồm:
2. Bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, nhận đổi, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận thế chấp, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý nhà ở là cá nhân thì phải có điều kiện sau đây:
a) Nếu là cá nhân trong nước thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện các giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự và không bắt buộc phải có đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch;
b) Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam, phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.
…
Cũng như quy định về điều kiện giao dịch đối với bên cho thuê, người nước noài muốn thuê nhà cũng phải có đủ năng lực hành vi dân sự. Là tổ chức, phải có tư cách pháp nhân. Hơn nữa, pháp luật Việt Nam chỉ giới hạn một số đối tượng được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Như vậy, người nước ngoài chỉ được thuê nhà khi thuộc đối tượng này. Cụ thể tại Điều 159 Luật Nhà ở 2014, cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm:
- Cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;
- Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Như vậy, bước đầu tiên để có thể thực hiện giao dịch cho thuê nhà đối với người nước ngoài, các bên trong giao dịch phải đáp ứng được điều kiện như trên.
2. Điều kiện về nhà cho thuê.
Cũng như những giao dịch thông thường khác về cho thuê nhà, thì đối với căn nhà cho thuê trong hợp đồng thuê nhà với người nước ngoài cũng phải đáp ứng những điều kiện cụ thể tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 118 Luật nhà ở năm 2014 :
- Có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) ; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sổ hồng) ;Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Nhà ở đang không trong tranh chấp, bị khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu. Nếu là nhà ở có thời hạn sở hữu, thì phải còn thời gian sở hữu.
- Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Nhà không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.
- Nhà phải bảo đảm chất lượng, an toàn, có đầy đủ hệ thống điện, cấp, thoát nước, bảo đảm vệ sinh môi trường.
3. Thủ tục cho người nước ngoài thuê nhà
Bước 1: Đăng ký kinh doanh cho thuê nhà.
kinh doanh cho thuê nhà là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bởi vậy, việc đăng ký kinh doanh là điều kiện cần để bạn có thể bắt đầu tiến hành kinh doanh cho thuê nhà. Hồ sơ bao gồm:
- Giấy tờ chứng minh chủ sở hữu nhà cho thuê. Gồm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất( sổ đỏ) ; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sổ hồng) ;Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hoặc Hợp đồng Mua bán,…
- Giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân.
Hồ sơ nộp tại UBND Quận/Huyện nơi có nhà cho thuê. Chẳng hạn như bạn sống ở Hà Nội, nhưng nhà cho thuê tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, thì bạn phải thực hiện đăng ký kinh doanh thuê nhà tại UBND Quỳnh Lưu, Nghệ An,
Bước 2: Nộp thuế môn bài và kê khai mã số thuế căn hộ
Nghĩa vụ về thuế là nghĩa vụ bắt buộc đối với loại hình kinh doanh cho thuê nhà ở. Chủ nhà cho thuê phải thực hiện việc nộp thuế và kê khai thuế cho cơ quan thuế. Hồ sơ gồm:
- Giấy đăng kí kinh doanh
- Tờ khai Mã số thuế căn hộ tại Chi cục thuế quận/huyện.
- Tờ khai thuế môn bài
Bước 3: Đăng ký an ninh, trật tự tại công an quận.
Việc cho thuê nhà là việc tiếp nhận thêm cá nhân chung sinh sống tại một khu vực nhất định. Việc đảm bảo an ninh, trật tự là một nghĩa vụ không chỉ ở chủ nhà mà còn đối với khách thuê, kể cả là cho người nước ngoài.
Hồ sơ gồm có:
- Bản khai lý lịch chủ hộ
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về An ninh trật tư để làm ngành nghề kinh doanh có điều kiện
- Giấy đăng ký kinh doanh
- Giấy đăng ký đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy (theo yêu cầu của từng dự án)
Bước 4: Khai báo tạm trú, tạm vắng:
Đối với khách thuê nhà là người nước ngoài, thủ tục khai báo tạm trú tạm vắng cũng sẽ phức tạp hơn. Tuy nhiên, cũng không quá khó khăn. Người thuê nhà chỉ cần thực hiện nhu cầu sau:
- Phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài
- Hợp đồng thuê nhà
- PassPost (Còn thời hạn lưu trú tại Việt Nam và Visa phải là Visa lao động)
- Giấy đăng ký an ninh trật tự do CA quận cấp
- Giấy phép đăng ký kinh doanh
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà thuê (Sổ đỏ hoặc HĐMB nhà)
- Chứng minh thư của chủ nhà (Công chứng)
Bước 5: Nộp thuế thu nhập cá nhân:
Có thu nhập chịu thuế thì phải nộp thuế, đây là nghĩa vụ cũng như trách nhiệm đóng góp phát triển đất nước. Hồ sơ gồm có:
- Hợp đồng cho thuê nhà
- Kê khai thuế phải nộp với cơ quan thuế
Sau khi nhận được bản xác nhận số thuế, bạn mang tờ Xác nhận kê khai thuế TNCN lên kho bạc để nộp vào ngân sách nhà nước.
Hy vọng bài viết có ích cho bạn!