
Điều kiện hưởng chế độ thai sản do sẩy thai
Bị sẩy thai có được hưởng chế độ thai sản không? Điều kiện được hưởng là gì? Pháp luật quy định về trường hợp này thế nào?
Trường hợp của khách hàng như sau: Tôi làm ở một công ty có vốn nước ngoài. Trước đó tôi đã tham gia BHXH được 3 năm và chấm dứt vào cuối năm 2018. Khi làm việc ở công ty mới, tôi bắt đầu ký hợp đồng và tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm từ tháng tháng 4/2020, sau đó đầu tháng 5/2020 tôi bị sẩy thai thì có được hưởng chế độ BHXH không? Cách tính tiền mà tôi được hưởng như thế nào? Thời hạn giải quyết có lâu không? Xin cảm ơn.
Luật sư Thuận An tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, điều kiện hưởng chế độ thai sản do sẩy thai năm 2020
Căn cứ khoản 1 Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý như sau:
“1. Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.”
Như vậy, theo quy định trên thì pháp luật chỉ cần bạn đang tham gia đóng BHXH mà bị sẩy thai thì bạn sẽ được nghỉ hưởng chế độ BHXH từ 10 ngày đến 50 ngày.
Do đó, trước đó bạn đã tham gia BHXH được 3 năm và chấm dứt vào cuối năm 2018. Khi làm việc ở công ty mới, bạn bắt đầu ký hợp đồng và tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm từ tháng tháng 4/2020, sau đó đầu tháng 5/2020 bạn bị sẩy thai thì bạn vẫn được hưởng chế độ BHXH khi bị sẩy thai.
Thứ hai, cách tính mức hưởng BHXH khi bị sẩy thai
Căn cứ điểm c Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
“Điều 39. Mức hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.”
Như vậy, mức hưởng cho những ngày nghỉ do bị sảy thai của bạn được tính bằng mức trợ cấp theo tháng (bình quân tiền lương đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản) : 30 và nhân với số ngày bạn được nghỉ.
Thứ ba, về thời hạn giải quyết chế độ sẩy thai
Căn cứ mục 4.1 khoản 4 Điều 5 Quyết định 166/QĐ-BLĐTBXH quy định như sau:
“Điều 5. Trách nhiệm giải quyết và chi trả
4. Thời hạn giải quyết và chi trả
4.1. Trường hợp đơn vị SDLĐ đề nghị: Tối đa 06 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
4.2. Trường hợp người lao động, thân nhân người lao động nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan BHXH: Tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.”
Theo quy định trên, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ thì trong thời hạn 06 ngày khi công ty bạn nộp hồ sơ thì cơ quan BHXH sẽ giải quyết và chi trả tiền trợ cấp cho bạn.
Thùy Dung