Điều kiện về người làm chứng di chúc

Điều kiện về người làm chứng di chúc

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật dân sự 2015

Nội dung tư vấn

1. Di chúc có bắt buộc có người làm chứng không?

Phải khẳng định rằng, di chúc có người làm chứng chỉ là một trong những loại di chúc được pháp luật công nhận. Ngoài ra theo quy định tại điều 628 và 629 Bộ luật dân sự 2015 thì còn có những loại di chúc như sau:

  • Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
  • Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
  • Di chúc bằng văn bản có công chứng;
  • Di chúc bằng văn bản có chứng thực;
  • Di chúc miệng.

Có thể thấy rằng, di chúc bằng văn bản không có người làm chứng là một loại được pháp luật thừa nhận. Tuy nhiên nếu xét về giá trị khi xảy ra tranh chấp thì di chúc bằng văn bản không có người làm chứng sẽ “yếu thế” vì khi đó tòa án sẽ phải giám định thời gian, chữ ký để xác định ý chí thực sự của người viết. Sự công nhận hay làm chứng của người khác trong di chúc rất quan trọng, vì vậy phần lớn những loại di chúc đều được yêu cầu có người làm chứng:

  • Di chúc bằng văn bản có người làm chứng: Khi bạn viết di chúc sẽ nhờ người khác ký, điểm chỉ để công nhận nội dung di chúc;
  • Di chúc bằng văn bản có công chứng: Khi bạn viết di chúc sẽ nhờ công chứng viên ký, làm chứng. Đồng thời văn phòng công chứng sẽ xét tính đúng sai về giá trị pháp lý của bản di chúc này trước khi ký;
  • Di chúc bằng văn bản có chứng thực: Di chúc của bạn sẽ được chứng thực chữ ký bởi cán bộ tư pháp xã, phường hoặc công chứng viên. Việc xác nhận ở đây là xác nhận chữ ký, chứng thực bản di chúc có tồn tại nhưng không phải xác nhận về sự hợp lệ của bản di chúc này;
  • Di chúc miệng: Chỉ trong một số trường hợp nhất định thì mới được phép lập di chúc miệng.

2. Điều kiện người làm chứng di chúc

Có thể thấy người làm chứng trong di chúc rất quan trọng, người làm chứng hợp lệ ở đây có thể là những người quen, công chứng viên, luật sư … tuy nhiên những người như sau sẽ không được quyền làm chứng nội dung di chúc:

Điều 632. Người làm chứng cho việc lập di chúc
Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Về nguyên tắc thì người làm chứng là người không có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan đến người lập di chúc hoặc người được chỉ định trong di chúc. Những người trong quan hệ thừa kế thì không được làm chứng vì họ là người được hưởng di sản, việc làm chứng sẽ không khách quan dẫn đến người lập di chúc bị tác động về tâm lý không thể tự do định đoạt ý chí bản thân họ.

Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến di chúc như là những người đồng sở hữu tài sản hoặc chủ nợ, con nợ của người lập di chúc cũng không được làm chứng vì khi có sự hiện diện, xác nhận của những người này sẽ không đảm bảo tính khách quan khi có tranh chấp xảy ra.

Người chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi thì sẽ không được làm chứng bởi vì họ sẽ không thể chịu trách nhiệm với hậu quả, cũng khó để cam kết về thể trạng nhận thức để xác định ý chí chính xác của người để lại qua nội dung di chúc.

Ngoài ra, như đã đề cập ở phần đầu thì bài viết thì di chúc bằng văn bản là điều gần như là bắt buộc, chỉ trong một số trường hợp như người ta bị cái chết đe dọa, không thể lập di chúc bằng văn bản. Ví dụ: Bị tai nạn giao thông, trong tình trạng hấp hối… thì di chúc miệng mới được công nhận:

Điều 629. Di chúc miệng
1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Có một điểm khá thú vị là dù di chúc bằng miệng hay di chúc bằng văn bản cũng cần phải có 2 người làm chứng trở lên, cụ thể:

Điều 634. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng
Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của Bộ luật này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *