Hợp đồng thuê mặt bằng có cần phải công chứng hay không?
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Mặt bằng làm việc là một khối tài sản lớn, việc giao dịch thuê mặt bằng rất quan trọng với cả hai bên. Cần có hợp đồng để ràng buộc quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của cả bên cho thuê và bên thuê mặt bằng. Vậy, hợp đồng thuê mặt bằng khi ký kết có cần công chứng, chứng thực hay không? Hãy cùng Luật sư Thuận An tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Hợp đồng thuê mặt bằng có cần công chứng hay không?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 122 Luật nhà ở 2014:
“2. Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.”
Theo Điều 17 Luật Kinh doanh bất động sản 2014: “Hợp đồng kinh doanh bất động sản phải được lập thành văn bản. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng do các bên thỏa thuận, trừ hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này thì phải công chứng hoặc chứng thực.”
Khoản 2, điều 10 Luật kinh doanh bất động sản 2014 quy định:
“Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.”
Từ các quy định trên, hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh không bắt buộc phải công chứng. Việc không công chứng không ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng. Nói cách khác, đối với hợp đồng thuê mặt bằng sẽ không bị tuyên bố vô hiệu vì lý do không công chứng.
2. Một số lưu ý khi soạn hợp đồng thuê mặt bằng để kinh doanh
– Tính pháp lý của mặt bằng bạn thuê (chủ sở hữu là ai, có tranh chấp hay không, tình trạng mặt bằng khi bàn giao có những gì…)
– Giá thuê hằng tháng, tiền đặt cọc, phạt vi phạm hợp đồng;
– Diện tích thuê, diện tích sử dụng;
– Mục đích sử dụng mặt bằng;
– Quyền và nghĩa vụ của các bên;
– Phương thức giải quyết tranh chấp;
– Đơn phương chấm dứt, hủy hợp đồng.