Làm bạn gái có thai nhưng không chịu trách nhiệm thì có bị xử phạt không?
Trẻ em hay người chưa thành niên thường có những cư xử bồng bột trong quan hệ nam nữ và đôi khi dẫn đến hậu quả là có thai ngoài ý muốn. Vậy, trách nhiệm pháp lý của bạn trai (người đàn ông) là gì?
Một khách hàng gửi câu hỏi về cho Luật sư như sau: Thưa Luật sư, năm nay em 20 tuổi, em đã có người yêu (29 tuổi) và cách đây 3 tháng em phát hiện ra mình đã có thai nên em đã chủ động nói chuyện với bạn trai của mình nhưng anh ấy không nhận trách nhiệm và kêu em phá thai. Hiện tại em đang rất hoang mang và không biết phải làm sao.
Luật sư Thuận An tư vấn cho bạn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên sẽ có nhiều trường hợp được xảy ra.
Trường hợp thứ nhất, bạn bị bạn trai cưỡng ép quan hệ tình dục trái ý muốn dẫn đến có thai khi đó bạn hoàn toàn có thể khởi kiện bạn trai của mình với tội danh Hiếp dâm theo điều 141 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:
“Điều 141. Tội hiếp dâm
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
g) Làm nạn nhân có thai;”
Như vậy, trong trường hợp thứ nhất nếu bạn trai bạn cưỡng ép bạn quan hệ tình dục trái với ý muốn của mình mà dẫn đến có thai thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm. Đây là loại tội phạm rất nghiêm trọng có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn.
Trường hợp thứ hai, trái ngược lại do bạn và bạn trai tự nguyện quan hệ tình dục không hề có dấu hiệu bị cưỡng ép dẫn tới có thai thì khi đó anh ta sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không vi phạm pháp luật hình sự nên không thể buộc tội với bất kỳ tội danh nào. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể dùng biện pháp tình cảm và thỏa thuận hai bên để cùng có trách nhiệm nuôi dưỡng con
Căn cứ theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.
Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Thùy Dung