
Làm thế nào khi chồng đã ký đơn ly hôn rồi lại đổi ý?
Căn cứ:
- Luật hôn nhân và gia đình 2014
Nội dung tư vấn:
Chào bạn, câu hỏi của bạn cũng chính là một trong những câu hỏi mà chúng tôi nhận được khi tư vấn về vấn đề ly hôn, đặc biệt là khi tư vấn cho khách hàng là nữ giới.
Về vấn đề này, chúng tôi sẽ giải đáp như sau:
Về trường hợp của bạn, khi hai bên hoặc một trong hai bên thay đổi một phần hoặc toàn bộ nội dung thỏa thuận mà không thể thống nhất lại thì căn cứ Khoản 5 Điều 397 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, ta có hướng giải quyết như sau:
“Điều 397. Hòa giải và công nhận thuậnj tình ly hôn, thõa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn
5. Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung do Bộ luật này quy định.”
Như vậy, đối với trường hợp của bạn khi chồng đổi ý không muốn ly hôn nữa, Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết việc ly hôn thuận tình (bao gồm cả công nhận thỏa thuận khác như chia tài sản, quyền nuôi con, cấp dưỡng…) và thụ lý vụ án ly hôn đơn phương để giải quyết.
Trước đây, theo Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 và Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định rằng trong trường hợp một hoặc các bên có thay đổi một phần hoặc toàn bộ các thỏa thuận trước đó mà không thể cùng thống nhất lại với nhau thì được coi như đương sự rút đơn yêu cầu và Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự. Sau đó, nếu bên nào có yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn thì phải khởi kiện vụ án ly hôn theo thủ tục chung (phải làm đơn, cung cấp tài liệu chứng cứ, tạm ứng án phí …), tức là thực hiện tương tự như một vụ án mới.
Hiện nay, theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án tiến hành thụ lý giải quyết tiếp theo thủ tục vụ án; hai bên vợ chồng không phải nộp lại đơn khởi kiện hay cung cấp lại chứng cứ từ đầu. Điều này giúp cho Nhà nước và người dân tránh lãng phí được thời gian; công sức, tạo hiệu quả tốt hơn về mặt tố tụng.