Mù chữ có ly hôn được không?
Căn cứ
- Luật hôn nhân và gia đình 2014
- Bộ Luật tố tụng dân sự 2015.
Nội dung tư vấn
Khi quan hệ hôn nhân bị tan vỡ, hạnh phúc hôn nhân không tồn tại, hai vợ chồng không có được tiếng nói chung, mục đích hôn nhân không đạt được. Thì khi đó hai vợ chồng có quyền thỏa thuận ly hôn thuận tình hoặc đơn phương ly hôn theo trình tự thủ tục pháp luật đã quy định;
Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Quyền yêu cầu ly hôn là quyền của cá nhân vợ, chồng. Như vậy, khi người chồng không biết chữ thì có thể tiến hành thủ tục đơn phương ly hôn hay không. Đây có lẽ là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Căn cứ khoản 2 điều 189 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015:
Điều 189. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện
2. Việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau:
a) Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
b) Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
c) Cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
Do đó, trong trường hợp người chồng không biết chữ mà muốn tiến hành thủ tục đơn phương ly hôn thì bạn có thể nhờ người khác làm hộ đơn và phải có người đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng.