Những điều cần biết về tạm ngừng kinh doanh

Những điều cần biết về tạm ngừng kinh doanh

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp sẽ có những thời điểm phải đối mặt với tình trạng kinh doanh không hiệu quả, phải tạm ngưng một thời gian để ổn định tình hình hoặc có phương án kinh doanh mới. Vậy, để tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp có cần tìm hiểu quy định pháp luật về tạm ngừng kinh doanh không? Hồ sơ, thủ tục tạm ngừng được thực hiện như thế nào? Khi thực hiện tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp cần lưu ý những gì? Đó là những câu hỏi mà các doanh nghiệp muốn tạm ngừng kinh doanh quan tâm. 

Căn cứ:

  • Luật Doanh nghiệp năm 2014
  • Văn bản hợp nhất số 902/VBHN – BKHĐT;
  • Thông tư số 02/2019/TT – BKĐT

Nội dung tư vấn:

1. Tạm ngưng kinh doanh là gì?

Tạm ngừng kinh doanh là tình trạng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc do chủ sở hữu doanh nghiệp quyết định. Theo thống kê thường niên của Bộ kế hoạch đầu tư, trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền rất hạn chế gần như là không có. Còn tình hình doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh theo quyết định của chính chủ sở hữu lại rất nhiều và linh hoạt. Các quy định về tạm ngừng kinh doanh được quy định tại Điều 200 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Điều 200. Tạm ngừng kinh doanh

1. Doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh. Quy định này áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

2. Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

3. Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.

Theo đó, doanh nghiệp có quyền tự quyết định về việc tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thực hiện thủ tục, hồ sơ theo đúng quy định tại Điều 200 Luật doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản hướng dẫn khác chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh. Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn phải nộp đủ số thuế còn nợ, tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động trừ trường hợp có thỏa thuận khác

2. Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh của từng loại doanh nghiệp?

Để tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ tạm ngừng phù hợp với loại hình doanh nghiệp của mình dựa trên các quy định pháp luật. Chính vì đặc điểm mỗi loại hình doanh nghiệp là khác nhau, hơn nữa, cách thức trình bày cũng phải tuân thủ quy định pháp luật; nên đây là giai đoạn khá khó, mất nhiều thời gian đối với người chuẩn bị hồ sơ. Vậy nên, chúng tôi sẽ chi tiết hồ sơ tạm ngừng kinh doanh với mỗi loại hình doanh nghiệp cho bạn đọc tiện sử dụng.

2.1. Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh Công ty TNHH một thành viên

– 01 thông báo tạm ngừng kinh doanh (Phụ lục II-21 Thông tư số 02/2019/TT – BKHĐT);

– 01 quyết định và bản sao biên bản họp của chủ sở hữu công ty;

– 01 giấy ủy quyền (nếu người nộp hồ sơ không phải chủ sở hữu công ty, không phải người đại diện theo pháp luật của công ty.

2.2. Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh công ty TNHH hai thành viên trở lên

– 01 thông báo tạm ngừng kinh doanh (Phụ lục II-21 Thông tư số 02/2019/TT – BKHĐT);

– 01 quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên;

– 01 giấy ủy quyền (nếu người nộp hồ sơ không phải chủ sở hữu công ty, không phải người đại diện theo pháp luật của công ty.

2.3. Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh Công ty Cổ phần

– 01 thông báo tạm ngừng kinh doanh (Phụ lục II-21);

– 01 quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng quản trị;

– 01 giấy ủy quyền (nếu người nộp hồ sơ không phải chủ sở hữu công ty, không phải người đại diện theo pháp luật của công ty.)

2.4. Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh Công ty Hợp danh

– 01 thông báo tạm ngừng kinh doanh (Phụ lục II-21);

– 01 quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng quản trị;

– 01 giấy ủy quyền (nếu người nộp hồ sơ không phải chủ sở hữu công ty, không phải người đại diện theo pháp luật của công ty.

2.5. Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh Doanh nghiệp tư nhân

– 01 thông báo tạm ngừng kinh doanh (Phụ lục II-21);

– 01 quyết định của Chủ sở hữu doanh nghiệp;

– 01 giấy ủy quyền (nếu người nộp hồ sơ không phải chủ sở hữu doanh nghiệp)

3. Thủ tục tạm ngừng kinh doanh

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ

Cá nhân, tổ chức soạn thảo các giấy tờ như hồ sơ nêu trên với từng loại hình doanh nghiệp của công ty mình. Sau đó, nộp trực tuyến tới Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh/ thành phố nơi đăng ký trụ sở doanh nghiệp

Bước 2: Giải quyết hồ sơ tạm ngừng kinh doanh

– Phòng đăng ký kinh doanh thụ lỳ hồ sơ, xin ý kiến của các cơ quan liên quan (nếu cần) trong quá trình giải quyết;

– Hoàn tất kết quả giải quyết hồ sơ và cập nhật tinhg trạng hồ sơ trên cơ sở dữ liệu trực tuyến để doanh nghiệp cập nhật được trình trạng hồ sơ;

Bước 3: Trả kết quả giải quyết hồ sơ

– Khi hồ sơ nộp trực tuyến qua mạng hợp lệ, doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ giấy tới Phòng đăng ký kinh doanh để nhận kết quả.

– Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung; doanh nghiệp sẽ thực hiện việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan đăng ký

4. Nơi giải quyết hồ sơ tạm ngừng kinh doanh

Tại mục 3. Thủ tục tạm ngừng kinh doanh, chúng tôi đã đề cập đến địa địa nộp hồ sơ để giải quyết thủ tục tạm ngừng kinh doanh. Một lần nữa, chúng tôi nhắc lại, cơ quan có chức năng có thẩm quyền quyết định tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp là Sở kế hoạch và Đầu tư, cụ thể là phòng Đăng ký kinh doanh trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Trong mục 3. Thủ tục tạm ngừng kinh doanh, chúng tôi cũng đề cập đến hoạt động nộp hồ sơ trực tuyến. Đây là quy định không quá mới nhưng nhiều doanh nghiệp cũ chưa biết đến. Hiện nay, trước khi nộp hồ sơ bản cứng tại Sở kế hoạch và Đầu tư, các cá nhân, tổ chức sẽ phải scan hồ sơ gửi trực tuyến tại Công thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp qua website: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/.

Khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh cần lưu ý như sau: Nơi nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh là nơi đơn vị tạm ngừng kinh doanh được thành lập, không phụ thuộc vào trụ sở chính của công ty. Ví dụ: Công ty cổ phần A có trụ sở chính ở Hà Nội, thành lập chi nhánh tại Đà Nẵng. Công ty muốn chi nhành tại Đà Nẵng tạm ngừng kinh doanh 1 năm; công ty phải nộp hồ sơ về phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng.

5. Các loại thời gian, thời hạn trong tạm ngừng kinh doanh cần phân biệt

5.1. Thời hạn doanh nghiệp được tạm ngừng kinh doanh

Việc tạm ngừng kinh doanh được hiểu là dừng kinh doanh, sản xuất trong một khoảng thời gian nhất định. Thời gian tạm ngừng có được pháp luật điều chỉnh, quy định cụ thể tại Điều 57 Văn bản hợp nhất số 902/VBHN – BKHĐT ban hành ngày 12/02/2019 hợp nhất các nghị định về đăng ký doanh nghiệp:

Điều 57. Tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh

2. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh không được quá một năm. Sau khi hết thời hạn đã thông báo, nếu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo tiếp cho Phòng Đăng ký kinh doanh. Tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá hai năm”

Như vậy, tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tục của một doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh là không quá 02 năm. Mỗi lần tạm ngừng kinh doanh không được quá 01 năm.

5.2. Thời hạn thông báo tạm ngừng kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền

Theo quy định tại Điều 200 Luật Doanh nghiệp năm 2014 nêu trên, doanh nghiệp phải thông báo việc tạm ngừng kinh doanh chậm nhất là 15 ngày trước khi doanh nghiệp tạm ngừng.

5.3. Thời hạn giải quyết hồ sơ tạm ngừng kinh doanh

Sau khi nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh hợp lệ, doanh nghiệp sẽ phải chờ 03 ngày làm việc để nhận Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp, chi nhánh, địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 4 Điều 57 Văn bản hợp nhất số 902/VBHN – BKHĐT ban hành ngày 12/02/2019 hợp nhất các nghị định về đăng ký doanh nghiệp:

“Điều 57. Tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh

4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh”

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *