Sa thải người lao động trong thời gian hưởng chế độ tại nạn lao động
Trong thời gian hưởng chế độ tai nạn lao động thì người sử dụng lao động có được phép sa thải người lao động không? Pháp luật Lao động quy định như thế nào về trường hợp này?
Trường hợp của khách hàng như sau: Em năm nay 30 tuổi, cho em xin được tư vấn về vấn đề luật lao động. Em bị tai nan giao thông tự té ngã trên đường đi làm về. Hiện em đang hưởng lương bảo hiểm tai nan lao động. Công ty em là công ty nhà nước. Em đã nghỉ gần 01 tháng ở nhà vì bó bột chân. Nhưng hiện nay, công ty em đang giảm biên chế 50% và trong đó có em. Vậy cho em hỏi công ty thôi việc em là đúng luật lao động không ạ. Mặc dù chưa hết hợp đồng. Xin cảm ơn nhiều ạ.
Luật sư Thuận An tư vấn cho bạn như sau:
Theo như thông tin bạn cung cấp, có thể xác định được công ty bạn đang thực hiện việc sử dụng lao động ít hơn do thay đổi cơ cấu: “Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu” – trích khoản 10 Điều 36 Bộ luật lao động năm 2012. Có hai cách để người lao động thực hiện việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với bạn trong trường hợp này như sau:
Thứ nhất: Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động – chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Bộ luật lao động năm 2012.
Trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo sự thỏa thuận này thì người sử dụng lao động phải đưa ra phương án cắt giảm nhân sự đối với người lao động trong công ty. Sau khi lấy ý kiến tự nguyện của những người lao động trong công ty, nếu người lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động thì họ sẽ có sự thỏa thuận với người sử dụng lao động và làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động. Khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động sẽ giải quyết tất cả các quyền lợi cho bạn.
Thứ hai: Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo quy định của pháp luật tại khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động năm 2012 về các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì trường hợp của bạn không thuộc vào trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Mặt khác, tại khoản 1 Điều 39 Bộ luật lao động năm 2012 có quy định về trường hợp người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:
“1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của thầy thuốc, trừ trường hợp quy định tại điểm c và điểm đ khoản 1 Điều 38 của Bộ luật này;”
Ngoài ra, nếu người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu thì người sử dụng lao động phải có sự trao đổi với ban chấp hành công đoàn và lập danh sách những người cho thôi việc. Việc lập danh sách này phải dựa trên hoàn cảnh cuộc sống của những người lao động; người sử dụng lao động phải tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động.
Do vậy, công ty của bạn chấm dứt hợp đồng lao động đối với bạn trong trường hợp này bằng cách nào cũng không hợp lý, trái với quy định của pháp luật.
Thùy Dung