THAY ĐỔI MỨC CẤP DƯỠNG SAU LY HÔN ĐƯỢC KHÔNG?

THAY ĐỔI MỨC CẤP DƯỠNG SAU LY HÔN ĐƯỢC KHÔNG?

Thưa Luật sư: Tôi và vợ tôi kết hôn năm 2015 và có với nhau một người con. Năm 2017, chúng tôi ly hôn và thỏa thuận con chung sống với mẹ, mỗi tháng tôi cấp dưỡng cho con số tiền là 3 triệu đồng cho đến khi con đủ 18 tuổi. Thời gian gần đây, tôi gặp vấn đề về mặt công việc dẫn đến làm ăn thua lỗ, cộng thêm sức khỏe không được ổn định, thường xuyên phải nằm viện. Là trụ cột chính trong gia đình nuôi bố mẹ già và vợ con mới nên Luật sư cho hỏi tôi có thể thay đổi mức cấp dưỡng cho con không? Trình tự thủ tục để thay đổi mức cấp dưỡng sau ly hôn thực hiện như thế nào?

thay-doi-muc-cao-duong-sau-ly-hon

thay-doi-muc-cao-duong-sau-ly-hon

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Luật sư Thuận An. Với thắc mắc của bạn liên quan tới vấn đề thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

1. Quy định về tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

Nhiều người thắc mắc cấp dưỡng là gì? Tại sao phải thực hiện việc cấp dưỡng khi không sống chung? Số tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn xác định như thế nào? Pháp luật đã có quy định rõ về vấn đề này.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 tại Điều 110 thì cha mẹ không trực tiếp sống chung hoặc sống chung nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động hoặc không có tài sản để tự nuôi sống mình.

Theo đó, khi thực hiện nghĩa vụ này cha mẹ người không trực tiếp nuôi con phải chu cấp đến con một mức cấp dưỡng nhất định gọi là tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn. Điều này tại Khoản 1 Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:

“Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Điều này có nghĩa là mức cấp dưỡng không được ấn định một con số cụ thể là bao nhiêu mà phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng (thể hiện qua tiền lương, tiền thu nhập thêm ngoài giờ, tiền phụ cấp,…). Vì vậy mức cấp dưỡng thông thường sẽ không cao hơn mức thu nhập của người cấp dưỡng.

Đồng thời mức cấp dưỡng này còn được xác định dựa theo nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng và phải đảm bảo những chi phí này phải là chi phí hợp lý nhằm phục vụ cho nhu cầu ăn ở, sinh hoạt thiết yếu nhất.

Khi giải quyết ly hôn, vợ chồng có thể thỏa thuận về mức cấp dưỡng để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho con. Trong trường hợp không thỏa thuận được về vấn đề cấp dưỡng cho con khi ly hôn, Tòa án sẽ giải quyết và căn cứ vào thu nhập thực tế của người không trực tiếp nuôi con mà phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con cũng như mức chi phí hợp lý cho nhu cầu thiết yếu của con.

2. Có thể thay đổi mức cấp dưỡng sau ly hôn không?

Mức cấp dưỡng cho con đã thỏa thuận khi ly hôn hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án hoàn toàn có thể thay đổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

“Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Như vậy, việc thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn sẽ do các bên tự thỏa thuận, trường hợp không thể thỏa thuận được thì làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết.

Theo đó, để có thể yêu cầu việc thay đổi mức cấp dưỡng người cấp dưỡng phải chứng minh được trong thời gian cấp dưỡng xảy ra các khó khăn về mặt kinh tế, các vấn đề khác liên quan như sụt giảm về mặt thu nhập, là lao động chính trong gia đình cần nuôi dưỡng các thành viên khác, các khoản nợ nần hoặc gặp vấn đề về sức khỏe, bệnh tật,… mà không thể cấp dưỡng cho con như thỏa thuận ban đầu thì làm đơn yêu cầu Tòa án xem xét và giải quyết.

Do đó, xét vào trường hợp của bạn hiện tại đang gặp khó khăn về mặt kinh tế do làm ăn thua lỗ, tình trạng sức khỏe không ổn định, là trụ cột trong gia đình nuôi bố mẹ già và vợ con mới nên bạn hoàn toàn có thể thỏa thuận lại với vợ cũ về việc thay đổi mức cấp dưỡng cho con. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do hai bên thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì có thể làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc thay đổi mức cấp dưỡng nếu có lý do chính đáng.

thay-doi-muc-cao-duong-sau-ly-hon

thay-doi-muc-cao-duong-sau-ly-hon

3. Thủ tục thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

3.1. Chuẩn bị hồ sơ

Để thực hiện việc yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn, cần chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:

  • Đơn yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con
  • Bản sao bản án hoặc quyết định của Tòa án đã giải quyết cho vợ chồng ly hôn và vấn đề nuôi con chung;
  • Bản sao sổ hộ khẩu hoặc CMND
  • Giấy tờ chứng minh các điều kiện: thu nhập
  • Các giấy tờ chứng minh khác có liên quan (Giấy tờ vay nợ, viện phí khám sức khỏe,…)

3.2. Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền

Hồ sơ yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng được gửi tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, trừ trường hợp một bên (hoặc cả hai bên) đương sự ở nước ngoài. Có thể gửi hồ sơ bằng các phương thức sau:

  • Gửi trực tiếp tại TAND;
  • Gửi đến TAND theo đường dịch vụ bưu chính;
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). (Khoản 1 Điều 190 BLTTDS 2015).

3.3. Nhận kết quả xử lý đơn

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

  • Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
  • Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
  • Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
  • Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
    Người nộp hồ sơ được nhận thông báo về kết quả về việc xử lý đơn.

4. Thụ lý vụ án

Đương sự nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền sau đó nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án. Thẩm phán ra thông báo về việc thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

4.1. Tòa án tiến hành giải quyết

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Tòa án lập hồ sơ vụ án, xác minh, thu thập chứng cứ, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Khoản 2 Điều 203 BLTTDS 2015 để làm rõ vụ án và tiến hành thủ tục sau đây:

  • Tòa án triệu tập các bên đương sự để lấy lời khai, làm rõ tình tiết trong hồ sơ vụ án.
  • Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án (bao gồm án phí), Tòa án lập Biên bản hòa giải thành, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến thì Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự (Điều 212 BLTTDS 2015). Quyết định này có hiệu lực ngay sau khi ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Trường hợp các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, Tòa án lập biên bản hòa giải không thành và ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử.

  • Tòa án mở phiên tòa giải quyết vụ án trong trường thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử (có lý do chính đáng thời hạn này là 02 tháng)
  • Tòa án căn cứ vào hoàn cảnh thực tế, khả năng của các bên để xem xét chấp nhận hay bác yêu cầu về việc thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn.

4.2. Lệ phí yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn

Theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án thì án phí, lệ phí để yêu cầu tòa án thay đổi mức cấp dưỡng là 300.000 VNĐ.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề điều kiện và thủ tục thay đổi mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn. Nếu có thắc mắc và những điều còn chưa hiểu rõ về thủ tục này vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật hôn nhân gia đình qua HOTLINE 0915 559 279 của Luật sư tư vấn để được hỗ trợ.

Trân trọng./.

> xem thêm:LY HÔN GIẢ TẠO LÀ GÌ? CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT KHÔNG?

A.N

 

Chào mừng bạn đến với Công ty Luật VilaKey - chi nhánh Thuận An - Chúng tôi tự hào gửi gắm tâm huyết nghề nghiệp, cùng nhau theo đuổi hành trình phụng sự công lý. Bằng tất cả khả năng, tâm đức, chúng tôi bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho các thân chủ là cá nhân/doanh nghiệp. Mọi chi tiết xin liên hệ Hotline: 0918.22.99.88

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *