Tông người khác để tránh tai nạn thảm khốc thì có phạm tội không?

Tông người khác để tránh tai nạn thảm khốc thì có phạm tội không?

Một sự việc xảy ra như sau và có nhiều ý kiến trái chiều: Xe của anh B. tông vào đứa bé, may mắn là em bé không nguy hiểm đến tính mạng nhưng được xác định có thương tích 59%. Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan công an triệu tập anh Nguyễn Quốc B. đến làm việc, anh B. khai nhận do lúc đó vào khúc cua hẹp lại có xe đi ngược chiều, nếu đánh lái tránh em bé kia thì sẽ húc vào ô tô đi ngược chiều và có thể khiến xe của anh B và xe ngược chiều kia lao xuống vực. Vì vậy, anh B. đã giảm ga, phanh lại nhưng vẫn đâm trúng em bé. Vấn đề đặt ra là trong trường hợp này anh Nguyễn Quốc B. có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Nếu có thì sẽ bị tội gì?

Luật sư Thuận An trình bày quan điểm của mình:

Để có cơ sở khẳng định hành vi của anh Nguyễn Quốc B. trong vụ việc này có phải là tình thế cấp thiết hay không, trước hết ta cần phân tích để hiểu rõ về tình thế cấp thiết. Theo quy định của pháp luật, để được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết và không phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ những điều kiện sau:
– Thứ nhất, phải có sự nguy hiểm đang đe dọa gây ra thiệt hại ngay tức khắc. Nếu trong phòng vệ chính đáng, nguồn gốc của sự nguy hiểm chỉ là sự tấn công của con người, thì trong tình thế cấp thiết, sự nguy hiểm đang đe dọa gây ra thiệt hại có thể phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như: các hiện tượng thiên nhiên, cũng có thể phát sinh trong quá trình lao động sản xuất, do sự tấn công của súc vật trong một hoàn cảnh đặc biệt, buộc phải gây thiệt hại để bảo vệ một lợi ích lớn hơn. Sự nguy hiểm đang đe dọa gây ra thiệt hại phải là sự nguy hiểm đe dọa ngay tức khắc thì mới được coi là trong trường hợp tình thế cấp thiết, nếu sự nguy hiểm đó chưa xảy ra hoặc đã kết thúc thì không được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết.

– Thứ hai, sự nguy hiểm đang đe dọa phải là sự nguy hiểm thực tế. Sự nguy hiểm tuy mới đe dọa ngay tức khắc đến các lợi ích cần bảo vệ, nhưng phải là sự nguy hiểm thực tế, nếu không có biện pháp đề phòng thì nó sẽ gây thiệt hại nguy hiểm tức khắc, tức là mối quan hệ nhân quả giữa sự nguy hiểm với các lợi ích cần phải bảo vệ là mối quan hệ tất yếu, nếu không có biện pháp thì hậu quả tất yếu sẽ xảy ra. Nếu sự nguy hiểm đó không chứa đựng khả năng thực tế gây ra hậu quả mà chỉ do người gây thiệt hại tưởng tượng ra thì không được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết.

– Thứ ba, việc gây thiệt hại để tránh một thiệt hại khác là sự lựa chọn duy nhất. Điều kiện này đòi hỏi người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết phải tính toán thật chính xác và nhanh chóng khả năng đe dọa ngay tức khắc của sự nguy hiểm, nếu không chọn phương pháp gây thiệt hại thì tất yếu không thể tránh được thiệt hại lớn hơn. Trong cuộc sống, nhất là trong hoàn cảnh cấp bách, việc đánh giá sự lựa chọn của một con người không phải bao giờ cũng dễ dàng, bởi vì nếu không lựa chọn ngay phương pháp gây thiệt hại thì không tránh khỏi một thiệt hại khác lớn hơn. Thông thường khi tình thế cấp thiết xảy ra, không phải ai cũng bình tĩnh để suy xét xem chọn giải pháp nào cho phù hợp, nhiều người mất bình tĩnh đã vội vã gây thiệt hại rồi sau đó viện lý do để trốn tránh trách nhiệm. Vì vậy, khi đánh giá một hành vi gây thiệt hại có thuộc trường hợp trong tình thế cấp thiết hay không và phương pháp mà người có hành vi sử dụng có phải là phương pháp duy nhất không, phải căn cứ vào tình hình cụ thể lúc xảy ra sự việc, đánh giá một cách khách quan, toàn diện. Nếu còn biện pháp khắc phục sự nguy hiểm và việc gây thiệt hại là không cần thiết, thì không thuộc tình thế cấp thiết.

– Thứ tư, thiệt hại gây ra trong tình thế cấp thiết bao giờ cũng phải nhỏ hơn thiệt hại muốn tránh. Tuy nhiên, khi đánh giá so sánh giữa hai loại thiệt hại cũng cần phải xem xét một cách khách quan, toàn diện, bởi vì thiệt hại gây ra là có thật còn thiệt hại muốn tránh lại là cái trừu tượng, vô hình không thể cân đong đo đếm được, nó chỉ là những cái có thể xảy ra hoặc cùng lắm là tất yếu sẽ xảy ra nếu không được ngăn chặn. Khi phải đánh giá giữa cái có thật và cái chưa xảy ra, bao giờ con người cũng khắt khe hơn. Vì vậy, để tránh sự mặc cảm và quá khắt khe khi phải đánh giá giữa hai loại thiệt hại này, pháp luật quy định, nếu gây thiệt hại rõ ràng là quá đáng thì mới bị coi là vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết (Khoản 2 Điều 23 Bộ luật Hình sự).

Như vậy, hành động trong tình thế cấp thiết không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của mọi người, nên được khuyến khích và được pháp luật bảo vệ. Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm. Nếu trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây ra thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong vụ việc này, anh Nguyễn Quốc B. đang điều khiển xe ô tô trên đường đồi núi, lại vào đúng khúc cua hẹp và đang có xe đi ngược chiều, đây là đoạn đường rất nguy hiểm cho anh B, cho những người trên xe của anh B. và cả cho những người ngồi trên xe ô tô đi ngược chiều kia. Anh B. nhận thấy nếu tránh cháu bé chạy xuống đường thì sẽ đâm vào xe đi ngược chiều, lúc đó thì có thể cả hai xe sẽ lao xuống vực, thiệt hại về người và của là sẽ lớn hơn rất nhiều so với thiệt hại gây ra cho em bé kia. Nên anh B. không chọn phương án tránh em bé mà chọn phương án giảm ga để giảm tối đa thiệt hại cho cháu bé và cũng để tránh hậu quả lớn hơn xảy ra. Thực tế, em bé bị thương tích 59% nhưng anh B. đã tránh được hậu quả nhiều người chết và bị thương nếu 2 xe ô tô rơi xuống vực. Vì vậy, có thể coi đây là tình thế cấp thiết. Do đó, anh Nguyễn Quốc B. không phải là tội phạm và anh B. sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, theo Bộ luật Dân sự, người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Như vậy, anh Nguyễn Quốc B. sẽ phải bồi thường thiệt hại cho cháu bé và hai người có thể tự thỏa thuận với nhau về mức độ bồi thường.

Thùy Dung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *