Tranh chấp hợp đồng vay tiền
Một số trường hợp bên vay tiền đã lấy tiền của bên cho vay nhưng không chịu trả nợ, thậm chí là bỏ đi xa để trốn nợ. Dù đứng ở gốc độ bên cho vay tiền hay bên đi vay tiền đều có những căn cứ để phát sinh tranh chấp. Vậy pháp luật điều chỉnh vấn đề tranh chấp hợp đồng vay tiền như thế nào? Mời quý khách hàng tham khảo bài viết bên dưới của Luật sư Thuận An.
1. Tranh chấp hợp đồng vay tiền là gì?
Tranh chấp hợp đồng vay tiền là sự mâu thuẫn, bất đồng ý kiến của một hoặc cả 2 bên chủ thể của hợp đồng về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận trong hợp đồng vay.
2. Một số tranh chấp điển hình phát sinh từ hợp đồng vay tiền? Nguyên nhân
2.1. Một số tranh chấp phát sinh
– Tranh chấp hợp đồng vay tài sản do không có giấy giao nhận tiền
Đối với trường hợp cho vay có làm hợp đồng vay nhưng trong điều khoản của hợp đồng không ghi cụ thể việc giao nhận tiền thì rất dễ phát sinh tranh chấp về việc bên vay đã nhận tiền hay chưa?
– Tranh chấp phát sinh khi bên vay chậm trả nợ
Thông thường trong hợp đồng vay/cho vay, các bên sẽ thỏa thuận rõ ràng về số tiền vay, lãi suất, thời điểm trả,… Tuy nhiên, trên thực tế các tranh chấp hợp đồng vay tiền phát sinh khi bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ, trả tiền không đúng hạn.
– Tranh chấp hợp đồng vay tiền về lãi suất cho vay
Đây là một loại tranh chấp phổ biến, nhất là khi người vay vay các hình thức ngoài xã hội. Bên đi vay thường rơi vào tình trạng cần tiền gấp nên họ phải chấp nhận vay tiền với lãi suất cao với những rủi ro trong việc giao kết.
2.2. Nguyên nhân
– Do hình thức của hợp đồng vay tiền có thể bằng văn bản, lời nói hoặc hành vi cụ thể nên thực tế số lượng tranh chấp hợp đồng vay tiền chủ yếu là hợp đồng miệng, bằng lời nói. Nếu không có người thứ ba làm chứng sẽ tạo rất nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, điều tra, giải quyết tranh chấp.
– Do sự chủ quan của các bên trong việc thiết lập hợp đồng vay. Các chủ thể tham gia hợp đồng thiếu hiểu biết về pháp luật khi điều chỉnh quan hệ hợp đồng dẫn đến không rõ các quy định về lãi suất cho vay, thời hạn trả nợ,…
– Do các bên cho vay chỉ quan tâm đến lợi nhuận, lợi ích của mình mà bất chấp việc vi phạm và phá vỡ các thỏa thuận hoặc do bên vay không đủ khả năng trả các khoản vay.
– Các sự kiện bất khả kháng xảy ra ngẫu nhiên trong thực tế sau khi 2 bên đã ký kết hợp đồng dẫn đến việc bên vay không có khả năng thanh toán.
3. Một số phương thức giải quyết tranh chấp
Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng hợp đồng vay tiền sẽ được giải quyết bằng những phương thức sau đây:
– Giải quyết tranh chấp bằng phương thức thương lượng hoặc hoa giải qua trung gian.
Theo quy định của pháp luật, trước hết các bên có quyền tự thương lượng với nhau về các mâu thuẫn, xung đột, bất đồng nhằm tiến tới sự dung hoà về lợi ích cho cả hai bên. Trong trường hợp việc thương lượng không đạt kết quả, các bên có thể lựa chọn giải pháp hoà giải với nhau qua trung gian hoà giải. Việc quy định các cơ chế này nhằm tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên và giúp cho các bên tránh được những chi phí không cần thiết do phải theo kiện trước Toà.
Tuy vậy, nếu các bên không thể tự giải quyết được tranh chấp cho mình bằng con đường thương lượng, hoà giải thì theo luật định họ có quyền đưa tranh chấp ra xét xử tại một cơ quan tài phán có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
– Giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng tư pháp.
Việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vay tiền bằng con đường Tòa án được xem như giải pháp cuối cùng để phân định quyền lợi giữa các bên.
4. Quy trình giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tiền
Theo quy định tại Điều 186 BLTTDS 2015 thì cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp khi cho rằng một bên vi phạm nghĩa vụ về hợp đồng vay tiền.
-
Theo đó thủ tục giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm như sau:
– Cá nhân, tổ chức làm Đơn khởi kiện với nội dung theo Điều 189 BLTTDS 2015 gửi đến Tòa án có thẩm quyền.
– Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu hồ sơ hợp lệ thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí và Thẩm phán tiến hành thụ lý vụ án.
– Sau khi thụ lý vụ án Tòa án sẽ xem xét và chuẩn bị xét xử vụ án. Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ tiến hành phiên họp kiểm tra giao nộp, công khai chứng cứ và hòa giải. Sau đó, Tòa án sẽ ban hành các quyết định như công nhận hòa giải thành, tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.
– Nếu vụ án không rơi vào trường hợp trên thì Thẩm phán phải quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
– Xét xử phúc thẩm (nếu có)
-
Thời hiệu khởi kiện
Theo quy định, thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp hợp đồng cho vay là 03 (ba) năm. Tuy nhiên, trong trường hợp hết thời hiệu khởi kiện nếu:
+ Bên vay đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người cho vay;
+ Bên vay thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người cho vay;
+ Các bên đã tự hòa giải với nhau.
Lúc này thời hiệu khởi kiện sẽ bắt đầu lại từ đầu tại thời điểm ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện thừa nhận hoặc hòa giải ở trên.
-
Án phí
Tranh chấp hợp đồng vay tiền là dạng tranh chấp có giá ngạch do đó án phí được thực hiện như sau:
a | Từ 6.000.000 đồng trở xuống | 300.000 đồng |
b | Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng | 5% giá trị tài sản có tranh chấp |
c | Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng | 20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng |
d | Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng | 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng |
đ | Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng | 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng |
e | Từ trên 4.000.000.000 đồng | 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng. |