
Tư vấn luật: Thủ tục mở thừa kế
Thừa kế là sự chuyển dịch tài sản của người chết cho người còn sống. Vậy thủ tục mở thừa kế được quy định như thế nào? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của Luật sư Thuận An để hiểu rõ hơn.
THỪA KẾ
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế là việc một người được hưởng di sản qua di chúc của người đã chết hoặc được hưởng di sản thông qua việc phân chia theo quy định của pháp luật.
Thừa kế theo di chúc là việc chuyển dịch tài sản thừa kế của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi còn sống. Thừa kế theo di chúc được quy định tại chương XXII của Bộ luật Dân sự 2015.
Theo quy định của pháp luật nếu người chết không để lại di chúc hoặc để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp. Thừa kế theo pháp luật được quy định tại chương XXIII của Bộ luật Dân sự 2015.
THỦ TỤC MỞ THỪA KẾ
Thủ tục mở thừa kế là thủ tục theo quy định của pháp luật; phát sinh sau khi người để lại di sản chết nhằm thực hiện việc phân chia di sản theo nội dung di chúc để lại hoặc theo quy định của pháp luật. Sau khi hoàn tất thủ tục mở thừa kế, di sản của người chết mới có thể được phân chia theo di chúc; hoặc phân chia theo pháp luật. Để thực hiện thủ tục mở thừa kế, cần thực hiện theo trình tự bao gồm: Xác định thời điểm; địa điểm và thực hiện thủ tục mở thừa kế.
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Dân sự 2015
- Luật Công chứng 2014
Nội dung tư vấn
Xác định thời điểm:
Thời điểm mở thừa kế được quy định tại Khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015
Thời điểm mở thừa kế được xác định dựa trên thời điểm người có tài sản chết; hoặc dựa trên Tuyên bố chết của Toà án đối với những người thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015:
- Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
- Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
- Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống.
- Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống.
Đối với Toà án tuyên bố một người là đã chết, ngày chết sẽ do Toà án xác định theo quy định của pháp luật. Nếu không thể xác định được ngày chết của người được tuyên bố thì ngày quyết định trên của Toà án có hiệu lực là ngày chết của người đó, cũng là ngày để xác định thời điểm mở thừa kế.
Xác định địa điểm:
Căn cứ Khoản 2 Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; trong trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản của người để lại thừa kế.
Thủ tục mở thừa kế:
Chủ thể tiến hành thủ tục mở thừa kế: Tất cả những người thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản.
Chủ thể tiến hành thủ tục mở thừa kế cần công chứng các hồ sơ sau:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Giấy chứng tử;
- Giấy tờ tùy thân của các thừa kế;
- Những giấy tờ khác (như: giấy khai sinh của anh/chị/em; giấy chứng tử của ông bà nội …).
Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, cơ quan công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo Điều 57 Luật Công chứng.
>> Xem thêm: TƯ VẤN LUẬT: Quy định của pháp luật về thừa kế
>> Xem thêm: TƯ VẤN LUẬT: THỦ TỤC TỪ CHỐI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ