Ý nghĩa các ký hiệu R ®, TM (™) và C © trên LOGO
Căn cứ pháp lý:
- Luật sở hữu trí tuệ 2005
Nội dung tư vấn:
Đây đều là những ký hiệu chủ yếu được in trên logo của hàng hóa, vì thế nó liên quan tới các vấn đề của quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, Luật sở hữu trí tuệ 2005 cũng như hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam chưa có những quy định cụ thể về việc sử dụng những ký hiệu này. Chính vì vậy, để hiểu những ký hiệu này, chúng ta phải nhìn lại lịch sử hình thành và quá trình sử dụng chúng ở các nước trên thế giới.
1. Ký hiệu TM ™ là gì?
TM ™ là ký hiệu của Trademark, dịch ra nghĩa tiếng Việt là nhãn hiệu. Nhãn hiệu là những ký hiệu để phân biệt sản phẩm dịch vụ hoặc phân biệt công ty này với một công ty khác. Tuy vậy, đây không phải là những nhãn hiệu được bảo vệ theo quy định Luật sở hữu trí tuệ 2005 vì nó chưa được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Vì pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể, do đó mọi người có thể sử dụng ký hiệu ™ gắn lên nhãn hàng hóa của mình. Tuy nhiên điều này không có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu của các bác khi có tranh chấp xảy ra.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, chủ yếu là các nước có hệ thống pháp luật Common Law như Anh, Mỹ, Canada,… thì họ xem những nhãn hiệu được gắn ™ tuyên bố công khai của người chủ nhãn hiệu với những người khác đây là nhãn hiệu của tôi và do tôi tạo ra. Tại Mỹ, nhiều trường hợp đang trong quá trình nộp hồ sơ đăng ký xin cấp giấy phép bảo hộ thì sẽ gắn ký hiệu ™.
Việc gắn ký hiệu ™ vào nhãn hiệu không đảm bảo việc người chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ được pháp luật bảo vệ tuyệt đối khỏi sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, cũng không đảm bảo chắc chắn rằng nhãn hiệu đang nộp hồ sơ đăng ký sẽ được cấp văn bằng bảo hộ.
2. Ký hiệu R ® là gì?
Ở Mỹ, chỉ có các nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ mới có quyền được gắn ký hiệu R ® lên nhãn hiệu của mình. Từ đó, các công ty mới có thể thay thế ký hiệu ™ bằng ký hiệu ®. Những nhãn hiệu được gắn ® biểu hiện rằng nhãn hiệu này đã được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Mọi hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đều có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
Nếu chưa được cấp văn bằng bảo hộ mà gắn ký hiệu ® thì sẽ bị coi là một hành vi trái pháp luật và sẽ chịu những chế tài xử phạt của cơ quan công quyền.
Tại Việt Nam, pháp luật cũng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu. Cụ thể tại khoản 16 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ quy định rằng:
“16. Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.”
Tuy nhiên không quy định việc những nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ phải gắn ký hiệu gì lên trên nhãn hiệu. Những công ty được cấp văn bằng bảo hộ có thể tự mình gắn ký hiệu ® vào nhãn hiệu như một cách để công bố với những người khác rằng đây là nhãn hiệu đã được bảo hộ.
3. Ký hiệu C © là gì?
C © là ký hiệu của Copyrighted, nghĩa là bản quyền, đây là một tập hợp tất cả các quyền lợi cho việc sử dụng và quyền sở hữu đối với một sản phẩm, dịch vụ hay một ý tưởng nào đó, nghiêm cấm tất cả mọi tổ chức, cá nhân sử dụng một sản phẩm, dịch vụ hay một ý tưởng nào đó nếu chưa được sự đồng ý của người sở hữu. Tất cả các quyền lợi hợp pháp này sẽ được Cơ quan quản lý bảo hộ.
Copyrighted áp dụng cho tất cả những nơi có sự xuất hiện của sáng tạo, của tác giả, của người tạo ra tác phẩm/ ý tưởng/ thông tin… Đối tượng được bảo vệ của quyền tác giả là các tác phẩm văn học , nghệ thuật khoa học như: các tác phẩm âm nhạc, văn học, tác phẩm kiến trúc, các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng…được ghi nhận cụ thể tại Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ.
Trên thế giới, khác với nhãn hiệu được có gắn ký hiệu ® phải đăng ký để được bảo hộ, thì ký hiệu © được cấp quyền bảo hộ ngay khi tác giả sáng tác, tạo ra các sản phẩm ở dạng hữu hình. Đó là một cơ chế bảo vệ tự động mà không cần phải xin cấp phép bảo hộ với cơ quan chức năng.